Đôi lúc ta nhìn thấy nụ cười của ai đó không có nghĩa là họ đang vui, nước mắt của ai đó rơi không có nghĩa là họ đang buồn. Cười hay khóc chỉ là phản ứng vật lí của cơ thể, hoàn toàn có thể điều khiển được. Nhiều khi ta có thể dễ dàng đưa ra quyết định dựa trên cảm xúc hiện tại nhưng, nhiều khi, chúng ta bị rơi vào tình thế buộc phải hành động trái ngược với cảm xúc thực tế của bản thân, để bảo vệ một điều gì đó quan trọng, có thể là ai đó, hoặc là mình. Những lúc đó, chúng ta đang đối mặt với sự nhiễu loạn cảm xúc.
Việc chúng ta nhận diện, chấp nhận, và đối diện với các trạng thái cảm xúc của mình rất quan trọng. Đặc biệt là với những trạng thái mà tên của nó nhuốm tông màu tiêu cực như là “sợ hãi”.
Mỗi một trạng thái cảm xúc diễn ra trong chúng ta đều mang một ý nghĩa, một chức năng riêng. Sợ hãi cũng vậy. Dưới đây là phần phân tích của mình về “Sợ Hãi”. Mình thường áp dụng phương pháp SWOT trong kinh tế lên cả việc phân tích những vấn đề khác để có cái nhìn đa chiều hơn.
STRENGHT ( Điểm mạnh):
Điểm mạnh của Nỗi sợ hãi là chức năng chính của nó: thúc đẩy ta đưa ra phản ứng để bảo vệ mình trước những mối nguy xung quanh về tình cảm, thể chất,… giúp bản thân ta đưa ra những lựa chọn, quyết định để thoát khỏi những sự đe doạ đó.
WEAKNESS (Điểm yếu):
1. Thúc đẩy đưa ra hành động, quyết định dựa theo nỗi sợ đang hiện diện cùng với sự phán xét.
Trong cuộc sống, thực tế chúng ta phán xét rất nhiều, hầu như là trong mọi thứ. Theo cách nhìn, cách cảm nhận chủ quan của mình, ta vô tình làm cho người khác, hay cả bản thân mình bắt đầu hiểu và cảm nhận sai lệch về vấn đề đang xảy ra. Nỗi sợ về một điều gì đó, đôi khi ta có thể kiểm soát và điều chỉnh được, để làm bản thân cảm thấy nhẹ nhàng đi đôi chút, bình tĩnh hơn đôi chút và tiếp tục tìm cách giải quyết. Nhưng, khi ta bắt đầu bỏ vào đó sự phán xét, mọi thứ sẽ bắt đầu rẽ hướng, nhẹ thì không sao, nhưng quá nhiều phán xét sẽ làm mọi thứ trở nặng nề hơn, như ta có câu “chuyện bé xé ra to” là vậy. Và đương nhiên, hành động sai lầm là không tránh khỏi.
2. Thúc đẩy đưa ra hành động, quyết định dựa theo nỗi sợ đang hiện diện dựa trên sự kỳ vọng.
Chúng ta, ngoài phán xét, còn rất hay kỳ vọng, kỳ vọng ở bản thân, kỳ vọng ở người khác. Nhưng bạn biết không, kỳ vọng không phải là xấu nhưng thường thì nó là sự phản chiếu của việc không hài lòng về một điều gì đó, một ai đó vì họ không đáp ứng được điều mình mong muốn. Con người mình kì lắm, cái gì cũng muốn hết trơn, và muốn phải theo ý mình nữa kìa. Vậy nên, nỗi sợ dựa trên sự kỳ vọng hầu như xuất hiện mỗi ngày trong chúng ta, hay làm chúng ta khó chịu vì bị ức chế, bực tức, dù chỉ vì những điều nhỏ nhặt nhất.
3. Thúc đẩy hành động, quyết định trái ngược với nỗi sợ đang hiện diện trong lòng.
Thật ra, hành động này khá phổ biến, vì cái tôi trong chúng ta bao giờ cũng muốn được thấy với phiên bản mạnh mẽ, bất cần. Có nhiều lúc ta tổn thương lắm, đau đớn lắm, sợ lắm nhưng phải tỏ ra bình tĩnh hoặc lạnh lùng, thậm chí khi lại cười đùa vui vẻ chỉ để không ai có thể nhận ra sự yếu đuối bên trong mình. Rồi cứ như thế lâu dài, sự tổn thương từ những nỗi sợ cứ hình thành rồi chồng chất ở đó. Ta tạo ra cho mình một vỏ bọc tạm bợ để che giấu sự mong manh, yếu đuối, rồi ta vô tình quên mất đi, cứ cho là ta mạnh mẽ. Giống như loài cua vậy, lớp vỏ của chúng rất cứng phải không? Nhưng đến khi chúng phải lột xác, chúng buộc phải chống chọi với thế giới bên ngoài bằng cơ thể mềm yếu của mình trong khi chờ đợi để có được lớp vỏ cứng trở lại. Đó chính là khoảng thời gian vô cùng khó khăn của chúng khi hằng hà mối nguy xung quanh chỉ chực chờ có vậy để lao vào ngấu nghiến. Chúng ta, vì một lí do gì mà mất đi lớp vỏ cứng đó, chẳng phải cũng sẽ như cua lột vỏ hay sao?
OPPORTUNITIES (Cơ hội ):
Nỗi sợ mà cũng mang lại cơ hội sao? Có chứ bạn. Khi chúng ta đã trải qua muôn vàn nỗi sợ khác nhau, chúng ta sẽ bắt đầu có sự nhạy bén với nó, ta có thể cảm nhận được sự hiện diện của nó ngay từ đầu trong một mối quan hệ, một công việc, ta sẽ chủ động hơn trong việc có phương án dự phòng. Ví dụ như khi bạn đã đối diện với nỗi sợ hãi đến từ sự lừa dối, bạn sẽ có thể dễ dàng nhận dạng được những biểu hiện của người, của sự kiện đang hiện diện có khả năng mang lại một sự lừa dối khác, để giúp bản thân đưa ra những quyết định, lựa chọn sáng suốt hơn.
THREATENS (Đe doạ – Thách thức):
Mối đe doạ của Sợ Hãi là gì? Đã bao giờ bạn muốn làm một điều gì đó, thử một thứ gì đó mới mẻ nhưng không dám chưa? Lúc đó bạn đã sợ phải không? Bạn đã sợ “lỡ như”, lỡ như thất bại thì sao, lỡ như không đạt được thứ mình muốn thì sao, lỡ như mình bị đau thì sao,…Đúng không? Chần chừ, kiềm hãm chính là sự đe doạ của nỗi sợ hãi trong sự tưởng tượng của bản thân. Đây là nỗi sợ không hay chưa có thật nhưng chúng ta lại thường bị chúng điều khiển khá nhiều. Nỗi sợ chỉ là một phản ứng cảm xúc khi chúng ta nghĩ đến một điều gì đó nhưng nó lại vô tình tạo nên một rào cản giới hạn cho sự phát triển của bản thân. “Fear is a reaction. Courage is a decision.” Mình tìm thấy câu này trên pinterest, rất đúng trong trường hợp này phải không?
Chúng ta có rất nhiều nỗi sợ hãi khác nhau về sức khoẻ, tình yêu, sợ bỏ rơi, nghi ngờ bản thân, sợ hãi vì bị tổn thương,… Bạn có để ý rằng thường thì nỗi sợ và sự lo lắng đến từ ám ảnh bởi những thứ đã từng xảy ra hoặc từ sự tưởng tượng về điều có thể xảy ra trong tương lai, chứ ít khi nào đến từ hiện tại. Vậy nên, chúng ta đương nhiên vẫn có thể sợ nhưng hãy chỉ nhận diện, chấp nhận nó, đừng nên chối bỏ nỗi sợ của mình, cũng đừng để những nỗi sợ đó tạo rào cản, giới hạn sự phát triển của bản thân mình.
Trên đây là toàn bộ những góc nhìn của mình về cảm xúc “Sợ Hãi”. Hi vọng bài viết của mình có thể giúp bạn hiểu thêm được phần nào về cảm xúc này.
Hãy cùng chia sẻ với mình quan điểm của bạn về Nỗi Sợ nhé!